Bộ nút số 50 bida 3 băng (bộ 50). Hướng dẫn chi tiết cách dùng cực dễ hiểu cho người mới bắt đầu môn 3 băng.
Tại sao gọi là bộ 50?
Do góc dậu dùng để làm chuẩn có giá trị là 50 nên người ta hay gọi là bộ 50. That’s it!
Bộ 50 sử dụng cho thế bi nào?
Nếu bạn có thắc mắc như trên, nghĩa là bạn có một tư duy của người đánh bida. Mình đã gặp rất nhiều người hỏi tại sao vị trí này của bộ nút số A có giá trị là 10, nhưng lại là 20 trong bộ nút số khác.
Câu trả lời rất đơn giản, mỗi thế bi, đường bi đều có một quy luật riêng, tương ứng với quy luật đó là một bộ số để giải thích tại sao bi chạy như vậy và căn cứ vào đó, người ta dùng cách giải thích đó để dự đoán cần phải đánh như thế nào > bi chạy như thế nào để có điểm.
Do đó, người học chơi bida 3 băng cần hiểu rõ điều này: Mỗi thế bi có một bộ số riêng tương ứng!
Quay lại câu hỏi Bộ 50 sử dụng cho thế bi nào: Bộ này sử dụng cho thế bi sườn.
Thế bi sườn là gì? Cách sử dụng bộ 50
Đầu tiên, ta cần biết đường đi của thế bi áp dụng bộ số này:
Bi chủ chạm băng dài D1 > chạm băng ngắn N1 > chạm băng dài còn lại và cuối cùng là chạm băng còn lại.
Hay nói cách khác, đường đi của bi sẽ lần lượt chạm từ băng dài và sau đó đi đến tất cả các băng còn lại theo một hình tròn.
Bài hướng dẫn này mình chia làm 4 nội dung sử dụng bộ 50:
- Bi mục tiêu nằm gần băng thứ 3 (đánh 3 băng)
- Bi mục tiêu nằm gần băng thứ 4 (đánh 3 băng)
- Bi mục tiêu nằm gần băng thứ 5 (đánh 4 hay 5 băng)
- Sai số của bộ nút số 50 này
1. Trường hợp bi mục tiêu nằm gần băng thứ 3
Tính từ góc dậu là 0, các bạn có thể thấy các Điểm trúng tương ứng với các giá trị từ 0 đến 100 như hình ở trên. Các Điểm trúng này nằm ở cạnh băng nhé, không phải theo tia đâm vào nút.
Mình minh họa các điểm trúng chẵn, đối với các điểm trúng lẻ hơn ví dụ như 15 thì các bạn tự ước lượng theo nhé (là điểm chính giữa nút 10 và 20)…
Như hình minh họa một hình bi trên, ta lấy điểm trúng là 30.
Tiếp theo, câu hỏi là đánh bi vàng xong chạm vào đâu trên băng dài (gần bi vàng) để kết thúc ở điểm trúng 30? Ta sử dụng công thức tổng quát của bộ nút số 50 như sau:
Điểm trúng = Điểm đầu – Điểm đánh
(Điểm đầu hay còn được gọi là Góc bi chủ nhé các bạn. Trong một vài tài liệu khác về bida 3 băng có sử dụng cụm từ Góc bi chủ (GBC) thay cho cụm Điểm đầu)
Điểm đầu là gì? Giá trị tính như thế nào?
Ta nối dài đường đi của bi chủ (như các bạn thấy đường màu vàng). Đuôi của đường này cắt ở đâu thì đó là giá trị của Điểm đầu (màu cam). Điểm đầu có thể nằm trên băng ngắn hoặc băng dài. Lấy góc dậu là 50. Đây là lý do tại sao bộ nút số này có tên gọi là Bộ 50 cùng với các tên khác như Bộ nút số kim cương, Bộ Diamond…
Còn hướng theo đường màu vàng về phía trước, chạm băng dài (theo tia, hướng vào nút) ở đâu thì đó là Điểm đánh (màu xanh dương). Lưu ý là Điểm đánh của bộ 50 luôn là trên băng dài nhé.
Bây giờ chỉ việc chọn một cặp Điểm đầu và Điểm đánh thích hợp để có Điểm trúng là 30.
Có vô số cách đánh, ví dụ đánh bi chủ vào Điểm đánh 20, thì?
Ta có Điểm đầu giá trị ~ 85 (nằm giữa 80 và 90), vậy nếu 85 đánh 20 thì bi chủ sẽ chạm băng thứ 3 ở Điểm trúng = 85 – 20 = 65
Điểm trúng = Điểm đầu – Điểm đánh
Nghĩa là đánh 20 sai rồi nhỉ. Ta cần điều chỉnh Điểm đầu và Điểm đánh lại để có con số nhỏ hơn 65 bằng cách giảm giá trị Điểm đầu lại.
Và trong hình bi này, Điểm đánh chính xác là 40. Khi đó Điểm đầu là 70. Khớp công thức 70 – 40 = 30 là điểm trúng.
Đối với trường hợp bi mục tiêu nằm gần băng thứ 3 như hình bi mình minh họa nãy giờ, ép phê sẽ ảnh hưởng đến giá trị Điểm trúng, dựa trên kinh nghiệm của mình:
- Chỉ đánh 2 ép phê cho các bi thả giò gà vào bi cadre (bi vàng).
- Nếu cần phải kéo để chạm vào Điểm đánh, tăng lên thành 3 ép phê.
- Nếu đánh không bi (a băng) thì chỉ đánh 2 ép phê!
2. Trường hợp bi mục tiêu nằm gần băng thứ 4
Ta xác định bi mục tiêu nằm trên đường trúng nào để lấy giá trị Điểm trúng. Sau đó chọn cặp Điểm đầu và Điểm đánh phù hợp tương tự ở phần trên.
Lưu ý:
- Dựa theo kinh nghiệm của mình thì nếu chỉ đánh 2 ép phê, Điểm trúng trên băng 4 không chính xác. Do đó mình sẽ tăng thành ép phê 3.
- Điểm trúng trên băng thứ 3 khi đánh ép phê 3 sẽ có sự khác biệt một chút, thường sẽ tăng lên vài đơn vị. Ví dụ 50 đánh 20, ép phê 3, sẽ chạm băng dài thứ 3 ở 33 hoặc hơn chứ không chạm ở đúng 30 nhé. Nhưng sẽ chạm đúng ở băng thứ 4. Cái này anh Trần Quyết Chiến có chia sẻ rồi nha.
3. Bi mục tiêu nằm gần băng thứ 5 (đánh 4 hoặc 5 băng)
Bi chủ di chuyển càng dài thì ép phê sẽ giảm nhiều hơn nên khi đánh các cú 4 hay 5 băng, ta đánh 4 ép phê nhé.
Cũng do quãng đường dài nên các yếu tố ảnh hưởng như mặt bàn, băng, nhiệt độ, độ ẩm sẽ cho ta thấy sự khác nhau rõ rệt giữa các bàn. Các con số trên cần có sự kiểm tra lúc bạn dợt thử bàn để nắm tình hình của trận đấu và điều chỉnh nhé.
Sai số trong bộ nút số 50
Như các bạn thấy các con số giá trị của Điểm đầu, Điểm đánh, Điểm trúng đều rất tròn trịa nhưng thực sự thì nó không hề như vậy. Mục đích của người nghiên cứu và đưa ra nó trước tiên là để dễ áp dụng mà.
Bây giờ mình sẽ nói rõ hơn về sai số của bộ nút số này.
Sai số ở Điểm đầu lớn hơn 60
Đối với Điểm đầu từ 60 trở đi sẽ xuất hiện sai số. Thực tế khi Điểm đầu 70, đánh vào 0 sẽ không về Điểm trúng là 70 mà tăng lên khoảng 74-75. Nên người ta sử dụng thêm sai số đối với các Điểm đầu lớn như thế này:
- 60: sai số +3
- 70: sai số +5
- 80: sai số +8
- 90: sai số +10
- 100: sai số +13
Ví dụ: Bi chủ đang ở nút 70, bạn muốn đánh về 50, thì bạn cần đánh vào:
- Lấy 70 + 5 (sai số) – 50 = 25
- Hoặc lấy 70 – 50 = 20. Sau đó + thêm sai số 5. Ta được 25.
Vẫn luôn nhắc lại là bạn cần dợt thử bàn trước để có thể biết bàn nhé.
Sai số ở Điểm đầu < 50
Đối với Điểm đầu < 50, tương ứng cách nút 50 bao nhiêu nút thì đó là sai số của nút đó:
- 45: sai số -1
- 40: sai số -2
- 35: sai số -3
- 30: sai số -4
- …
- 20: sai số -6
Đây là lý do tại sao bạn từ 30 đánh vào 10 = 20 lại không về dậu mà chỉ về cách dậu 1 khoảng ~ 1/2 nút. Hoặc đánh hết ép phê cũng chỉ về gần dậu.
Ví dụ cần đánh về dậu (tức về 20 băng thứ 4), sai số được áp dụng như sau:
Lấy 30 + (-4) – 20 = 6. Tức đánh vào 6 thay vì đánh vào 10.
Hoặc lấy 30 – 20 = 10. Sau đó lấy 10 cộng cho sai số là -4: 10 – 4 = 6.
Điểm trúng ở băng 4 khi Điểm đầu < 40
Wow, cuối cùng cũng soạn xong một bài hướng dẫn mà mình nghĩ là tạm ổn về những vấn đề xoay quanh bộ nút số 50 này. Như bạn thấy thì nó có ti tỉ thứ cần phải bàn đến đúng không? Và lý thuyết cũng chỉ mới là 1 phần, chúng ta cần luyện tập rất nhiều nữa để có thể làm chủ được nó, sử dụng nó linh hoạt, mau lẹ…
Nếu có sai sót hay góp ý, mời các bạn để lại lời nhắn giúp mình nhé.
Cảm ơn bạn đã dành thời gian đọc đến đây cùng mình.
Nguồn: https://vncarom.com/bo-nut-so-50-bida-3-bang