Cơ thủ Efren Reyes của Philippines đã quyết định đại diện cho tuyển billiards Philippines tranh tài tại SEA Games 31. Vậy bạn đã biết gì về Efren, chính xác là sự vĩ đại của ông?
Tin Efren Reyes tham dự SEA Games 31 đã tạo nên sự phấn khích đặc biệt với những ai yêu thích billiards. Dù đã 68 tuổi lại tranh tài ở nội dung carom 1 băng và 3 băng (mà tay cơ Trần Quyết Chiến của chúng ta hiện nằm trong top 3 thế giới) chứ không phải nội dung pool sở trường, nhưng riêng sự xuất hiện của cơ thủ vĩ đại nhất hành tinh đã là một vinh dự cho Đại hội thể thao Đông Nam Á.
Vậy bạn đã biết gì về Efren, chính xác là sự vĩ đại của ông, ngoài các clip ngắn về những cú đánh gây kinh ngạc của người đàn ông có bộ ria mép nhăn nhúm, mặc bộ quần áo nhàu nát cùng nụ cười của một lão nông?
Trước khi trở nên nổi tiếng toàn cầu, Efren là một cậu bé nghèo khó, đứa con thứ năm trong gia đình có tới chín người con ở một thị trấn nhỏ bụi bặm của Philippines, nơi không có điện và nước máy. Số phận của Efren thay đổi khi ông lên 5 và được bố mẹ gửi tới ở nhờ người chú đang quản lý quán bi-a Lucky 13 ở thủ đô Manila. Efren kiếm sống bằng công việc sắp xếp các trang in ở xưởng truyện tranh và tới dọn dẹp tại Lucky 13 sau giờ làm việc.
Trước khi tìm thấy niềm đam mê với billiards, Efren nhận thấy có thể kiếm tiền từ nó. Ông bắt đầu tập luyện hàng giờ liền vào mỗi đêm, khi quán đã đóng, và chỉ ngừng khi mở cửa. Vì còn quá bé, Efren phải kê đống thùng carton để đánh những viên bi ở giữa bàn. Ông chơi trận đấu đầu tiên năm 9 tuổi, và lúc 12 tuổi kiếm được món tiền đầu tiên. Với 100 USD có được, Efren gửi 90 USD về cho gia đình.
Chẳng bao lâu Efren đã nổi danh khắp Manila. Tất cả buộc phải thừa nhận đây là một thiên tài, người có khả năng xử lý thông tin siêu việt, đọc nhanh bố cục bàn đấu và đoán trước tình huống. Đến năm 20 tuổi, Efren không có đối thủ trên khắp đất nước nghìn đảo. Vì vậy, ông ghi tên những tay cơ xuất sắc nhất thế giới vào một cuốn sổ tay, tìm đến rồi đánh bại họ.
Các bại tướng của Efren coi ông là kỳ nhân số một, tay cơ vĩ đại nhất lịch sử billiards, còn những người may mắn chứng kiến đường cơ vi diệu gọi ông là huyền thoại, sau đó kể cho nhau nghe các câu chuyện đã trở thành truyền thuyết dân gian.
Ví dụ như năm 1985, một người đàn ông nhỏ bé ăn mặc tuềnh toàng bước vào hộp đêm ở Houston, Texas (Mỹ) và tự giới thiệu mình là Cezar Morales. Trong 21 ngày liên tiếp, Morales hạ gục tất cả những tay cơ hàng đầu của miền Tây và giành được 81.000 USD. Khi đã hết sửng sốt, người ta tự hỏi Morales liệu có giỏi hơn Efren. Cuối cùng họ nhận ra Morales chính là Efren.
Suốt những năm 20, Efren làm bá chủ ở các bàn bi-a tại Mỹ với nhiều cái tên khác nhau rồi trở về Philippines với cái túi chật ních tiền. Tới gần 30 tuổi ông mới tham gia thi đấu chuyên nghiệp ở quê nhà và dễ dàng giành chiến thắng. Kể từ đó Efren liên tục thắng, đoạt mọi danh hiệu lớn trên thế giới như US Open, Challenge of Champions, World Pool League Championship, đồng thời được vinh danh là Tay cơ xuất sắc nhất năm (1995), Nhà vô địch thế giới (1999), có tên trên Đại lộ danh vọng Billiards Mỹ và nhận Huân chương Bắc đẩu bội tinh của Philippines.
Thế nhưng giải thưởng, danh hiệu cùng sự nổi tiếng hoàn toàn vô nghĩa với Efren. Năm 1999, ông từ chối chiếc Cúp “Master of the Table” dành cho cơ thủ xuất sắc nhất. “Tôi chơi vì tiền thôi”, Efren nói khi đang nhét tấm séc 25.000 USD vào túi.
Điều đặc biệt là Efren thích kiếm tiền song lại không cố để trở nên giàu có. Ông đưa tiền cho con trai, mua quà tặng vợ, tạo kế sinh nhai cho anh chị em trong gia đình hoặc đơn giản hơn là làm từ thiện. Efren thậm chí không buồn đi trồng răng sau khi mất chiếc răng cửa, vẫn sử dụng chiếc điện thoại Nokia cổ lỗ, mặc quần soóc, áo phông, đi dép lào khi ở nhà. Và nhà của ông không phải dinh thự to lớn. Đó là ngôi nhà theo nếp cũ, gà đuổi nhau ngoài sân còn Efren đánh mạt chược, chơi cờ vua cùng bạn hữu hoặc lũ trẻ trong xóm.
Sự giản dị, dễ gần khiến Efren trở thành người hùng của giới bình dân, trong khi cách ông giành chiến thắng là thách thức với mọi tay cơ chuyên nghiệp. Ông kiểm soát bi cái thật tài tình, thực hiện những cú đánh kỳ lạ mà không ai dám thử và không bao giờ để áp lực làm hỏng tư duy hay trí tưởng tượng siêu phàm. Vì vậy người ta gọi ông là Phù thủy.
Và, việc chiêm ngưỡng “Phù thủy” với những đường cơ không tưởng tại SEA Games 31 thực sự là một đặc ân hiếm có.
Nguồn: https://tienphong.vn/phu-thuy-efren-reyes-du-sea-games-31-tat-tan-tat-ve-co-thu-vi-dai-nhat-hanh-tinh-post1435389.tpo